Lịch sử Văn_Tố

Từ lâu, ở vùng đất mà sau Cách mạng tháng 8 gọi là xã Văn Tố đã có trên 10 dòng họ chung sống cùng nhau, trong đó tiêu biểu là các họ: Trần, Nguyễn, Phạm, Đặng, Đỗ, Lê, Vũ, Hoàng, Bùi, Cao... Lúc đầu, nhiều gia đình sống rải rác trên các cánh đồng hoang sơ, sình lầy nhưng do điều kiện sinh tồn, họ hội tụ lập thành xóm làng, nhiều làng nhỏ lập thành xã. Vùng đất Văn Tố ngày nay vốn là lãnh thổ của 3 xã là La Giang, Đông Lâm, Nho Lâm và ba làng Đồng Mỹ, Đồng Lộc, Đồng Kênh lập thành xã Mỹ Ân.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tháng 4 năm 1946, 4 xã gồm: Mỹ Ân, La Giang, Đông Lâm, Nho Lâm hợp nhất thành một xã mới lấy tên là Đỉnh Tân, từ đây 4 xã cũ gọi là thôn.

Tháng 2 năm 1948, xã Đỉnh Tân đổi tên thành xã Văn Tố (mang tên vị chủ tịch Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam mới: Nguyễn Văn Tố).

Ngày 11 tháng 03 năm 1974, theo quyết định số 22-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, thôn Gia Xuyên - vốn là 1 xã trước Cách mạng tháng 8 (thuộc xã Tứ Xuyên mới) tách ra và hợp nhất vào xã Văn Tố.